Tết Trung thu không chỉ là ngày lễ đoàn viên, Tết thiếu nhi hay dịp thưởng nguyệt. Bạn có biết lễ hội này còn sở hữu nhiều tên gọi khác? Những cái tên đa dạng này góp phần tạo nên bức tranh ngày Trung thu đầy màu sắc, với muôn vàn ý nghĩa sâu sắc. Hãy cùng Hopinoffset khám phá ý nghĩa ẩn sau mỗi tên gọi, để hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa phong phú của ngày lễ truyền thống này nha!
Tết Trung thu là gì? Trung thu là ngày bao nhiêu?
Bắt nguồn từ nền văn hóa lúa nước, Tết Trung thu đã và đang là lễ hội truyền thống của nhiều nước khu vực Đông Á. Lễ hội này diễn ra vào 15/8 âm lịch hằng năm nên luôn gắn liền với chu kỳ trăng tròn và mùa thu hoạch, mang nhiều ý niệm khác nhau như:
- Tôn vinh và cảm tạ thần Mặt Trăng: Người xưa coi trăng tròn là biểu tượng của sự viên mãn, sung túc và may mắn. Bởi ánh trăng rằm sáng vàng rực rỡ gợi nhớ đến hình ảnh mùa màng bội thu, khơi gợi niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Vì vậy vào ngày này, những người nông dân chọn lựa những nông sản tươi do chính tay mình trồng để dâng lên bàn thờ. Đây không chỉ là cách họ bày tỏ lòng biết ơn đối với thiên nhiên mà còn là dịp để cầu nguyện cho một năm mới với mùa màng bội thu hơn, cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn.
- Sum vầy, gắn kết tình cảm gia đình: Cứ đến dịp Trung thu, người người nhà nhà sẽ tụ họp, quây quần bên cạnh nhau. Cùng nhau thưởng thức hoa quả, ăn bánh trung thu, uống trà và tán gẫu dưới ánh trăng rằm.
- Cầu mong may mắn: đây là dịp để mọi người cầu nguyện dưới ánh trăng cho gia đình luôn bình an, mạnh khỏe và có cuộc sống sung túc.
Vậy tại sao lễ hội này lại có tên gọi chính thức là Tết Trung thu? Tên gọi “Tết Trung thu” bắt nguồn từ thời điểm diễn ra lễ hội – giữa mùa thu (tháng 8 âm lịch) và giữa tháng (ngày rằm). Tuy nhiên, do sự khác biệt giữa âm lịch và dương lịch, lễ hội Trung thu mỗi năm sẽ rơi vào các ngày khác nhau trên lịch dương, thường là vào khoảng tháng 9 hoặc đầu tháng 10 dương lịch.
Ý nghĩa các tên gọi khác nhau của Tết Trung thu
Trải qua hàng ngàn năm dài đằng đẵng, Tết Trung thu ngày càng thay đổi và được gắn liền với nhiều cái tên khác nhau. Mỗi tên gọi này đều gắn liền với một giá trị, thông điệp khác nhau mà không phải ai cũng biết.
Tết Đoàn viên
Từ thuở xa xưa, Tết Trung thu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Hình ảnh vầng trăng tròn vạnh trên bầu trời đêm trung thu không chỉ là biểu tượng của sự viên mãn mà còn là gợi nhớ về sự đoàn tụ, sum vầy của mỗi gia đình Việt. Chính vì vậy, Tết Trung thu còn được gọi bằng một cái tên đầy ý nghĩa khác: Tết Đoàn viên.
Tết Đoàn viên đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa gia đình Việt Nam, nơi mà giá trị gia đình luôn được đề cao. Vào dịp này, dù bận rộn đến đâu, các thành viên trong gia đình cũng cố gắng trở về sum họp. Đêm trung thu, cảnh tượng các gia đình quây quần bên nhau, cùng thưởng thức bánh, uống trà và ngắm trăng đã trở thành một hình ảnh quen thuộc và đẹp đẽ. Đây là thời khắc quý giá để mọi người chia sẻ những câu chuyện, tâm sự và gắn kết tình cảm gia đình.
Trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống ngày càng bận rộn và nhiều áp lực, Tết Đoàn viên càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Nó không chỉ là dịp để các thành viên gia đình gặp gỡ, mà còn là cơ hội để mọi người tạm gác lại những lo toan của cuộc sống, cùng nhau hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp và vun đắp cho tình cảm gia đình. Đặc biệt, đối với những người xa quê, Tết Đoàn viên còn là động lực để họ vượt qua mọi khó khăn, trở về sum họp cùng gia đình.
Tết Thưởng Nguyệt
Tết Thưởng Nguyệt là cách gọi gắn liền với phong tục ngắm trăng vào đêm rằm tháng Tám. Tên gọi này nhấn mạnh vào hoạt động thưởng ngoạn vẻ đẹp của trăng tròn – một nét đẹp chỉ có trong ngày Tết Trung thu.
Phong tục thưởng nguyệt không chỉ đơn thuần là việc ngắm trăng mà còn mang giá trị tâm linh sâu sắc. Người Việt tin rằng, vào đêm trung thu, mặt trăng mang đến may mắn và phước lành. Vì vậy, nhiều gia đình thường bày mâm cỗ ngoài sân để vừa ngắm trăng vừa cầu nguyện cho một năm mới an lành, hạnh phúc.
Hoạt động thưởng nguyệt còn gắn liền với nhiều sinh hoạt văn hóa khác như ngâm thơ, hát ca hay kể chuyện cổ tích cho trẻ em. Đây là cách để gìn giữ và truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau, đồng thời tạo nên những kỷ niệm đẹp về ngày trung thu trong lòng mỗi người.
Nguyệt tịch
Nguyệt tịch là danh xưng có nguồn gốc từ tiếng Hán của Trung Quốc, trong đó “Nguyệt” nghĩa là mặt trăng, và “tịch” có nghĩa là đêm. Cách gọi này nhấn mạnh vào thời điểm diễn ra lễ hội – một đêm trăng tròn đẹp nhất trong năm. Thời xưa, sự sống còn của muôn dân phải dựa vào điều kiện mưa thuận gió hòa trong bốn mùa. Mà sự vận hành của Mặt trăng và Mặt trời liên quan chặt chẽ với sự thay đổi của bốn mùa. Cho nên, các vị vua chúa thời cổ đại thường tổ chức lễ tế Trăng để cầu mong sự che chở từ, bảo hộ từ Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng.
Ban đầu, lễ tế Trăng được định ngày tổ chức vào ngày Thu phân. Về sau, các triều đại thay đổi, lịch pháp của mỗi triều đại cũng dần dung hợp theo nên lễ tế này được tổ chức vào ngày Tết Trung Thu. Vì vậy, lễ hội Trung Thu còn có tên gọi mỹ lệ là “Nguyệt tịch” cho đến ngày nay.
Lễ Bái Nguyệt
Lễ Bái Nguyệt là một trong những tên gọi đặc biệt của Tết Trung thu, phản ánh phong tục thờ cúng mặt trăng lâu đời tại nhiều quốc gia Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc. Trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, Mặt Trăng được tôn kính với danh xưng “Thái Âm”, và được xem như vị thần bảo hộ cho nữ giới.
Nghi lễ này có ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt đối với phái nữ. Vào đêm trăng rằm, các thiếu nữ thường chuẩn bị một mâm lễ vật gồm bánh ngọt, trái cây tươi ngon nhất đặt lên bàn thờ. Họ thành tâm quỳ lạy dưới ánh trăng, dâng hương và cầu nguyện, mong được Nguyệt Thần che chở và ban phước lành.
Trong xã hội hiện đại, mặc dù Lễ Bái Nguyệt không còn được thực hiện một cách nghiêm ngặt như xưa, nhưng tinh thần của nó vẫn được lưu giữ. Nhiều gia đình vẫn duy trì thói quen ngắm trăng, thưởng thức trà và bánh trung thu vào đêm rằm tháng Tám, như một cách để tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.
Tết Hoa Đăng
Tết Hoa Đăng hay được hiểu là lễ hội thả hoa đăng, là phong tục truyền thống thu hút nhất trong dịp Tết Trung thu ở Việt Nam và một số quốc gia Châu Á khác như: Trung Quốc, Malaysia,… Vào đêm Trung thu, người dân thường tụ tập bên bờ sông, hồ hoặc biển để thả những chiếc đèn hoa đăng được làm từ giấy màu hoặc hoa tươi, bên trong đặt một ngọn nến nhỏ.
Khi thả xuống mặt nước, những chiếc đèn này tạo nên một dòng sông ánh sáng lung linh, huyền diệu, như dải ngân hà trên mặt đất. Mỗi chiếc đèn hoa không chỉ mang theo ánh sáng mà còn chứa đựng những ước nguyện, lời cầu mong may mắn và hạnh phúc của người thả.
Nghi lễ này còn được xem như một cách để tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong phước lành và thanh tẩy tâm hồn. Người ta tin rằng, khi những chiếc đèn hoa trôi đi, chúng sẽ mang theo những điều không may, lo âu trong cuộc sống, đồng thời thắp sáng con đường cho những điều tốt đẹp đến với mỗi người.
Từ Tết Đoàn viên đến Tết Hoa Đăng, mỗi cách gọi đều phản ánh một khía cạnh độc đáo của ngày lễ này. Hãy cùng Hopinoffset trân trọng và lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu này để Tết Trung thu mãi là ngày hội đặc biệt, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi gia đình.